Khi lỗi thuộc về những vì sao
Phan_14
Anh Gus chậm rãi ngoái đầu ra sau nhìn anh Isaac. “Ai thèm quan tâm xem cô nàng đó có nhà hay không. Chuyện này không phải vì cô ta, mà vì mày đấy.” Anh Gus ôm chặt hộp trứng vào lòng, mở cửa và xoay xở bước ra khỏi xe. Sau đó anh mở cửa cho Isaac, và tôi nhìn qua gương chiếu hậu thấy anh Gus giúp Isaac ra khỏi xe. Hai người đứng tự vào vai nhau, rồi xoay người lại, trông như hai bàn tay đang chắp lại cầu nguyện nhưng hai lòng bàn tay không áp vào nhau.
Tôi quay cửa sổ xe xuống và quan sát từ trong xe, bởi tôi rất sợ mấy hành vi cố tình phá hoại. Họ tiến mấy bước về phía chiếc xe của chị Monica, sau đó anh Gus mở hộp giấy lấy một quả trứng đưa cho anh Isaac. Anh Isaac vung tay ném nó. Hụt rồi, trứng rơi cách xe những mười hai thước.
“Chệch về bên trái một chút,” anh Gus hướng hẫn.
“Là cú ném vừa rồi hơi thiên về bên trái hay tao cần nhắm nghiêng bên trái một chút?”
“Nhắm nghiêng về bên trái.” Anh Isaac xoay vai. “Xích qua bên trái thêm chút nữa,” anh Gus nhắc. Anh Isaac nghiêng vai lần nữa. “Ừ. Đúng rồi. Giờ ném mạnh vào.” Anh Gus lại đưa thêm một quả trứng, và anh Isaac ném nó đi. Quả trứng bay thành hình vòng cung qua khỏi chiếc xe và đáp xuống mái nhà. “Trúng phóc!” Anh Gus hào hứng.
“Thật không? Anh Isaac khoái chí hỏi.
“Không, mày ném cao hơn nóc xe sáu thước. Cố gắng ném mạnh nữa nhưng thấp thôi. Và hơi chệch về bên phải một chút xíu so với cú vừa rồi.” Anh Isaac thò tay qua và tự lấy trứng từ hộp giấy anh Gus đang ôm. Anh vung tay ném nó, trứng rơi trúng đèn chiếu hậu. “Đúng rồi!” Anh Gus kêu lên. “Đúng rồi! ĐÈN CHIẾU HẬU!”
Anh Isaac lấy một quả trứng khác, chệch mé phải quá, sau đó thêm một quả, thấp quá, lại tiếp thêm một quả nữa, trúng kính chắn gió phía sau. Sau đó anh ném trúng ba quả liên tiếp vào cốp sau. “Hazel Grace,” anh Gus giục tôi. “Chụp lại cảnh này mau để anh Isaac có thể nhìn thấy chiến tích hôm nay khi người ta phát minh ra mắt rô-bốt.” Tôi nhô người ra khỏi xe, ngồi tựa lên cửa xe đã kéo kính xuống, khuỷu tay chống lên nóc xe và chụp hình bằng chiếc điện thoại của tôi: anh Augustus dù đang ngậm điếu thuốc trong miệng nhưng điệu cười nhéch mép của anh thật bảnh hết sức, một tay giơ hộp trứng hồng lên quá đầu trong đó chỉ còn vài quả trứng chỏng chơ. Tay kia choàng qua vai anh Isaac, người không buồn quay nhìn về phía máy ảnh. Đằng sau họ, lòng đỏ trứng gà đang nhểu xuống kính chắn gió và thanh hãm xung của chiếc Firebird xanh mạ. Và đằng sau nữa, một cánh cửa mở xịch ra.
“Cái gì đây,” người phụ nữ trung niên cất tiếng sau khi tôi chụp được vài tấm hình, “Lạy Chúa tôi –” và sau đó bà im bặt.
“Thưa bà,” anh Augustus nói, gật đầu với bà ấy, “xe con gái bà vừa bị ném trứng một cách chính đáng bởi một chàng mù. Bà vui lòng đóng cửa và quay lui vào trong, không thì chúng tôi buộc phải gọi cảnh sát.” Do dự một lát, mẹ Monica đóng cửa lại và biến mất. Anh Isaac ném liền tù tì ba quả trứng cuối cùng trong nháy mắt. Sau đó anh Gus dắt anh quay trở lại xe. “Thấy chưa, Isaac, chỉ cần mày phủ định – cẩn thận, chúng ta sắp tới lề đường rồi – tính hợp lẽ trong cách hành xử của họ, nếu mày đổi ngược vị thế để họ cảm thấy như họ đang phạm tội khi đứng nhìn – chỉ vài bước nữa thôi – xe ô-tô của mình bị ném trứng, họ sẽ bối rối, sợ hãi, lo lắng và họ sẽ quay lại – tay nắm cửa ngay trước mày đó – cuộc sống tuyệt vọng đến lặng lẽ của họ.” Gus vội vàng vòng lên và ngồi vào ghế trước. Khi cửa vừa đóng, tôi khởi động máy xe phóng đi nhưng chỉ được mấy chục thước thì tôi nhận ra mình đang đi vào hẻm cụt. Tôi đánh một vòng cua và trở lại đường cũ, ngang qua nhà của chị Monica lần nữa.
Tôi không bao giờ có dịp chụp ảnh anh nữa.
Chương 15
Vài ngày sau, tại nhà anh Gus, mọi người gồm ba mẹ anh, Ba Mẹ tôi, anh Gus và tôi ngồi chen chúc quanh bàn ăn, thưởng thức món ớt nhồi trên một tấm khăn trải bàn mà theo lời ba Gus, thì lần cuối cùng nó được sử dụng là từ thế kỷ trước.
Ba tôi: “Emily, món cơm Ý này…”
Mẹ tôi: “Thật là ngon.”
Mẹ anh Gus: “Ồ, cảm ơn anh chị. Tôi rất sẵn lòng chỉ chị cách làm món này.”
Anh Gus, nuốt một miếng: “Thật ra con thấy mùi vị chính không giống như ở Oranjee.”
Tôi: “Vị giác anh tốt lắm, Gus. Đúng là món này dù ngon nhưng không giống hương vị ở Oranjee.”
Mẹ tôi: “Kìa Hazel,”
Anh Gus: “Nó có vị như thể…”
Tôi: “Đồ ăn hàng ngày.”
Anh Gus: “Đúng, chính xác. Món này có vị giống như đồ ăn hàng ngày được mẹ chuẩn bị công phu. Nhưng nó không có hương vị, chà, làm sao để con diễn đạt một cách khéo léo nhỉ…?”
Tôi: “Nó không giống hương vị mà chính Đấng Tối Cao vào bếp và đem thiên đường chế biến thành một loạt năm món ngũ vị rồi sau đó mang ra phục vụ chúng ta, kèm theo chùm bóng plasma sáng chói, trong khung cảnh những cánh hoa lững lờ trôi bên dưới con kênh ngay cạnh bàn chúng ta.”
Anh Gus: “Nói hay lắm!”
Ba anh Gus: “Mấy đứa con của chúng ta lạ quá.”
Ba tôi: “Nói hay lắm!”
Một tuần sau bữa tối sum vầy đó, anh Gus phải vào Cấp cứu vì chứng đau ngực, và bác sĩ đã giữ anh lại suốt đêm. Sáng hôm sau tôi lái xe qua Bệnh viện Memorial thăm anh đang nằm trên tầng bốn. Tôi đã không có bất kỳ bức tường nào có màu sơn lòe loẹt hay những bức tranh vẽ hình cún con lái xe ô-tô giống một bức đang treo ở Bệnh viện Nhi đồng, sự vô trùng tuyệt đối ở bên này khiến tôi thấy luyến tiếc niềm hạnh phúc kiểu con nít rất nhảm nhí ở Bệnh viện Nhi đồng. Bệnh viện Memorial thiên về chức năng chữa trị hơn. Nó như một cơ sở lưu trữ. Một cơ sở phòng bệnh.
Khi cửa thang máy mở ra ở tầng bốn, tôi thấy mẹ anh Gus đang đi đi lại lại trong phòng chờ, nghe điện thoại di động. Bà nhanh chóng cúp máy, quay qua ôm tôi và đưa tay đỡ lấy giá ô-xy của tôi.
“Dạ được rồi ạ,” tôi nói. “Anh Gus sao rồi bác?”
“Thằng bé đã trải qua một đêm khó khăn, Hazel à,” mẹ anh nói. “Tim nó làm việc quá sức nên cần ít vận động lại. Từ đây đến khi ra viện sẽ phải dùng xe lăn. Bệnh viện đang cho thằng bé thử một số loại thuốc mới để giảm đau tốt hơn. Các chị nó vừa vào thăm.”
“Dạ,” tôi đáp lời. “Thế cháu vào thăm có được không?”
Bà choàng tay ôm tôi và siết chặt vai tôi, một hành động khiến tôi lấy làm lạ. “Cháu biết rằng gia đình bác rất quý cháu mà Hazel. Nhưng thời điểm này các bác chỉ muốn người trong gia đình thôi. Gus đồng ý như vậy. Được không cháu?”
“Dạ được rồi,” tôi trả lời.
“Bác sẽ nói với Gus là cháu có ghé thăm.”
“Dạ được rồi,” tôi nói. “Cháu chỉ ngồi đây đọc báo một lát thôi.”
Bà đi dọc hành lang, quay lại phòng anh. Tôi hiểu, nhưng tôi vẫn nhớ anh. Tôi cứ nghĩ có lẽ mình đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để gặp anh, nói lời tạm biệt hay gì đó. Phòng chờ trải toàn thảm màu nâu và tất cả ghế cũng bọc vải màu nâu. Tôi ngồi lẻ loi trên chiếc ghế đôi trong một lúc, giá ô-xy kẹp giữa hai chân. Tôi mang đôi giày Chuck Taylor và mặc chiếc áo Ceci n’est pas une pipe, đúng bộ trang phục tôi đã diện hai tuần trước đó, vào Buổi Chiều Muộn của Biểu Đồ Venn, và anh sẽ không được nhìn thấy nó. Tôi lấy điện thoại di động ra và vào thư viện ảnh xem lại những bức hình đã chụp, giống như một đoạn phim chiếu chậm quay ngược lại khoảng thời gian vài tháng vừa qua, bắt đầu bằng hình anh và anh Isaac ‘quậy’ ở trước cả nhà chị Monica và kết thúc là tấm hình đầu tiên tôi chụp anh trên đường đến xem Bộ Xương Tân Thời. Cảm giác giống như đã từ rất lâu rồi vậy, cứ như chúng tôi đã có những giây phút ngắn ngủi bên nhau nhưng kéo dài vô tận. Có những dãy vô tận dài hơn những dãy vô tận khác.
Hai tuần sau, tôi đẩy xe anh Gus băng qua công viên nghệ thuật về hướng Bộ Xương Tân Thời trong khi anh ôm một chai sâm-banh đắt tiền và bình ô-xy của tôi trong lòng. Chai rượu này anh Gus được một trong những bác sĩ điều trị tặng – anh Gus thuộc tuýp người dễ dụ dỗ các bác sĩ tặng rượu sâm-banh cho trẻ em. Chúng tôi ngồi đó, anh Gus trên xe lăn còn tôi trên bãi cỏ ẩm ướt, ở cự li gần nhất có thể để chúng tôi nhìn trọn vẹn tác phẩm Bộ Xương Tân Thời. Tôi chỉ vào những đứa trẻ đang tranh nhau nhảy từ ngực lên vai của bộ xương và anh Gus đáp khẽ chỉ vừa đủ cho tôi nghe trong tiếng trẻ con chơi đùa ầm ĩ, “Lần trước khi đến đây, anh thấy mình như một đứa trẻ. Lần này thì giống bộ xương.”
Chúng tôi uống rượu bằng cốc giấy in hình Winnie-the-Pooh.
Chương 16
Một ngày với chàng Gus ở giai đoạn cuối sẽ như thế này:
Tôi qua nhà anh khoảng giữa trưa, sau khi anh đã ăn và nôn hết bữa sáng. Anh đón tôi ở cửa trên xe lăn, không còn là một anh chàng bảnh bao nhìn tôi chằm chằm ở Hội Tương Trợ nữa, nhưng vẫn còn đó điệu cười nửa miệng, vẫn ngậm điếu thuốc chưa châm, đôi mắt xanh vẫn sáng và sinh động.
Chúng tôi cùng ăn trưa với ba mẹ anh ở bàn ăn. Bánh sandwich bơ đậu phộng và mứt cùng món măng tây của buổi tối hôm trước đó. Anh Gus không ăn, tôi bèn hỏi anh thấy trong người thế nào.
“Khỏe,” anh đáp. “Còn em?”
“Em ổn. Tối qua anh làm gì?”
“Anh ngủ khá nhiều. Anh muốn viết cho em phần tiếp theo của Nỗi đau tột cùng, Hazel Grace, nhưng lúc nào anh cũng thấy mệt rã rời.”
“Anh chỉ cần kể nó cho em nghe cũng được,” tôi nói.
“Ừa, anh tập phân tích dưới góc độ tiền-Van Houten về Chú Tulip Hà Lan. Đó không phải là một kẻ lừa đảo, nhưng không giàu như cách ông ấy thể hiện.”
“Thế còn mẹ của Anna?”
“Vẫn chưa thống nhất quan điểm về cô ấy. Kiên nhẫn đi nào, cô nàng bộp chộp.” Anh Augustus mỉm cười nhại lại câu nói của tôi hôm nào. Ba mẹ anh không nói gì, cứ yên lặng nhìn anh không rời mắt, như thể họ chỉ muốn thưởng thức màn trình diễn mang tên Gus Waters đang lưu diễn trong thị trấn. “Thỉnh thoảng anh mơ mình đang viết một cuốn hồi ký. Một cuốn hồi ký sẽ là cầu nối giúp hình ảnh anh được lưu trữ trong trái tim và ký ức những người hâm mộ anh.”
“Sao anh còn cần nhiều người hâm mộ trong khi anh đã có em?” Tôi hỏi.
“Hazel Grace, khi em duyên dáng và có thân hình chuẩn như anh thì cũng dễ chiếm được cảm tình của những ai mà em gặp gỡ. Nhưng để khiến người lạ yêu em… thì đó mới là cao tay ấn.”
Tôi trợn tròn mắt.
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi cùng ra sân sau. Anh vẫn còn khỏe để tự đẩy xe lăn, tự nhấc hàng bánh trước để vượt qua các gò đất mấp mô trên lối ra vào. Vẫn là một anh chàng thể thao, bất chấp mọi bệnh tật, cùng phản xạ nhanh nhạy và khả năng cân bằng trời ban mà ngay cả những loại thuốc mê liều mạnh cũng không thể làm tê liệt hoàn toàn.
Ba mẹ anh ở lại trong nhà, nhưng khi tôi liếc nhìn vào phòng ăn thì thấy ông bà vẫn dõi mắt theo chúng tôi.
Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau. Được một lúc, anh Gus nói, “Thỉnh thoảng anh ước gì chúng ta có bộ đánh đu đó.”
“Chiếc đu ở sân sau nhà em à?”
“Ừ. Sự luyến tiếc của anh cực đoan đến mức anh có thể nhớ một chiếc đu mà mông anh chưa bao giờ chạm đến.”
“Sự luyến tiếc là một tác dụng phụ của bệnh ung thư,” tôi nói với anh.
“Không, luyến tiếc là tác dụng phụ của việc chờ chết,” anh chỉnh lại. Một làn gió thổi qua làm thay đổi hình bóng các nhanh cây in trên người chúng tôi. Anh Gus siết chặt tay tôi. “Cuộc đời này thật đẹp, Hazel Grace.”
Chúng tôi đi vào trong nhà khi anh cần vô thuốc, thuốc được truyền vào người anh cùng với các chất dinh dưỡng dạng lỏng qua một ống thông dạ dày bằng nhựa gắn mất hút vào bụng anh. Anh im lặng trong một lúc, nửa tỉnh nửa mê. Mẹ anh muốn anh nằm ngủ một chốc, nhưng anh cứ lắc đầu từ chối mỗi khi bà đề nghị. Thế nên chúng tôi để anh ngồi gà gật trên chiếc xe lăn.
Ba mẹ anh ngồi xem một cuốn phim cũ của Gus cùng với các chị gái – lúc đó chắc chị anh bằng tuổi tôi bây giờ còn anh Gus mới khoảng năm tuổi. Phim quay mấy chị em đang chơi bóng rổ ở lối vào của một ngôi nhà khác. Và tuy anh Gus lúc ấy còn bé xíu, anh đã nhồi bóng chuẩn như thể anh sinh ra để làm việc đó. Anh cứ chạy vòng quanh mấy chị trong khi họ cười rộ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy anh chơi bóng rổ. “Anh ấy chơi giỏi thật,” tôi bật thốt.
“Giá mà cháu thấy nó chơi hồi trung học,” ba anh nói. “Là tuyển thủ của trường khi mới chỉ là học sinh khóa một.”
Gus lầm bầm, “Con có thể xuống hầm chứ?”
Ba mẹ anh đẩy chiếc xe lăn xuống lầu trong khi anh Gus vẫn ngồi trên đó. Chiếc xe nảy lên nảy xuống điên cuồng trên mấy bậc thang. Việc này có thể nguy hiểm cho anh, nếu như thật sự nguy hiểm vẫn còn thường trực. Sau đó họ để chúng tôi lại một mình. Anh Gus trèo lên giường và chúng tôi nằm đó bên nhau dưới tấm chăn, tôi nằm nghiêng còn anh Gus nằm ngửa, đầu tôi gối lên bả vai xương xẩu của anh, thân nhiệt anh phả qua lần áo thun pô-lô anh mặc và truyền vào da tôi, chân tôi gác lên cái chân thật của anh còn tay tôi đặt lên má anh.
Tôi kề sát mặt anh và khi mũi chúng tôi chạm nhau, gần đến nỗi tôi chỉ có thể nhìn thấy đôi mắt anh, tôi không thể nói là anh đang bị bệnh. Chúng tôi hôn nhau trong một lúc và sau đó nằm bên nhau, cùng nghe đĩa nhạc cùng tên của nhóm The Hectic Glow. Cuối cùng cả anh, cả tôi cùng ngủ thiếp đi trong tư thế như vậy, trong sự vướng víu của cơ thể và bùng nhùng đủ loại ống dẫn.
Chúng tôi thức dậy sau đó và dựng một chiến hào bằng gối quanh mép giường để có thể thoải mái ngồi chơi trò Chống phiến loạn 2: Cái giá của Bình minh. Tôi chơi dở ẹt, dĩ nhiên rồi. Nhưng chính cái sự dở của tôi lại hay với anh: Nó giúp anh có cơ hội chết đẹp hơn, nào là nhảy ra trước đầu đạn của một tay bắn tỉa và hy sinh anh dũng cho tôi, hoặc là giết một tên lính gác khi hắn định bắn tôi. Khi cứu được tôi, anh khoái chí thế nào ư? Anh đã hét lên sung sướng, “Hôm nay bọn bây không giết được bạn gái tao đâu, lũ Khủng bố Quốc tế Không rõ Quốc tịch kia!
Cũng có lúc tôi nghĩ hay mình giả vờ tạo một sự cố bị nghẹn thức ăn hay gì đó để anh có thể thao tác biện pháp cấp cứu Heimlich. Có lẽ sau đó anh sẽ rũ được nỗi lo sợ rằng mình sống và mất đi mà không vì mục đích cao cả gì. Nhưng sau đó tôi tưởng tượng đến viễn cảnh có thể sức khỏe anh không cho phép thực hiện phương pháp Heimlich, và tôi phải tiết lộ rằng đó chỉ là một trò bịp và tiếp theo là màn lời qua tiếng lại, sạc nhau ra trò.
Thật khó có thể giữ được suy nghĩ đứng đắn khi ánh mặt trời đang mọc chiếu chói lóa đôi mắt đang nhòe đi của ta, và đó chính là suy nghĩ thầm kín của tôi khi cả hai đứa tôi bị kẻ xấu săn lùng quanh một thành phố đổ nát vốn cũng không tồn tại trên thực tế.
Cuối cùng, ba anh đi xuống và lôi anh lên lầu. Ở trước cửa phòng, ngay dưới Lời động viên tinh thần đề Tình bạn là mãi mãi, tôi quỳ xuống hôn tạm biệt anh. Rồi tôi về nhà và ăn tối với Ba Mẹ, để lại anh Gus ăn (và nôn) bữa tối một mình ở nhà anh.
Sau khi xem truyền hình qua quit, tôi đi ngủ.
Hôm sau tôi thức dậy.
Khoảng giữa trưa, tôi lại qua nhà anh chơi.
Chương 17
Một buổi sáng nọ, khoảng một tháng sau chuyến đi Amsterdam, tôi lái xe đến nhà Gus. Ba mẹ anh cho tôi biết anh vẫn đang ngủ ở dưới hầm. Tôi đi xuống, gõ mạnh cửa tầng hầm trước khi bước vào, “Anh Gus ơi?”
Tôi nghe anh lẩm bẩm một thứ ngôn ngữ nào đó do anh tự sáng tạo ra. Anh tè dầm khắp giường. Thật dễ sợ. Tôi thậm chí không thể nhìn anh. Thật vậy đó! Tôi chỉ biết gọi ba mẹ anh xuống, rồi bỏ đi lên lầu trong khi họ lau dọn cho anh.
Khi tôi quay trở xuống, anh đã thoát khỏi trạng thái mê ngủ, từ từ tỉnh dậy đón chào một ngày đau đớn khác. Tôi chồng gối lên để cùng chơi trò Chống phiến loạn với anh trên tấm nệm trần vì ba mẹ anh đã dọn dẹp ga phủ giường. Nhưng anh quá mệt mỏi và thiếu tập trung đến nỗi anh chơi cũng dở tệ như tôi vậy. Cứ khoảng năm phút là cả hai đứa đều bị chết. Cũng chẳng phải kiểu chết anh hùng mã thượng gì cho cam, toàn là chết do sơ suất vớ vẩn.
Tôi không nói gì với anh. Tôi chỉ muốn anh quên rằng tôi đã có mặt ở đó và hy vọng anh không nhớ tôi đã thấy anh chàng tôi yêu nằm ngọ nguậy trong vũng nước tè của chính mình. Tôi cứ ôm ấp hy vọng rằng anh sẽ nhìn qua tôi và hỏi: “Ồ, Hazel Grace. Sao em lại ở đây?”
Nhưng xui là anh nhớ. “Cứ mỗi phút trôi qua là anh lại càng nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa của từ mất thể diện,” cuối cùng anh cũng lên tiếng.
“Em cũng từng đái dầm mà anh. Tin em đi, chuyện đó chẳng có gì to tát cả.”
“Em cũng từng,” anh nói và sau đó hít một hơi thật sâu, “gọi anh là Augustus”.
“Em biết đấy,” một lúc sau anh nói, “nghe hơi trẻ con, nhưng anh luôn nghĩ cáo phó của mình sẽ được đăng trên tất cả các báo, rằng anh có một câu chuyện đáng nói. Bí mật đó nha, anh luôn ngờ rằng mình là người đặc biệt.”
“Thì anh đặc biệt mà,” tôi khẳng định.
“Nói thế nhưng em vẫn hiểu anh định nói gì mà,” anh bảo.
Tôi biết anh định nói gì, chỉ là tôi không đồng ý. “Em chẳng thiết tha chuyện tờ New York Times có đăng cáo phó cho em hay không, em chỉ muốn chính anh viết điếu văn cho em thôi,” tôi nói với anh. “Anh bảo anh không đặc biệt vì thế giới này không ai biết đến anh, nhưng nói vậy là động chạm đến em đó. Vì em biết rõ anh mà.”
“Anh không nghĩ anh sẽ sống được đến lúc viết cáo phó cho em,” anh nói thay vì xin lỗi.
Tôi quá thất vọng với anh. “Em cũng hy vọng tình cảm của em là đủ đối với anh, nhưng không bao giờ có thể như thế. Tình yêu này không bao giờ là đủ đối với anh. Nhưng đó là tất cả những gì anh có thể có. Anh có em, có gia đình, và cả thế giới này. Đây là cuộc sống của anh. Em xin lỗi nếu nó chẳng ra gì. Nhưng anh sẽ không phải là người đàn ông đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa, anh cũng sẽ không phải là một ngôi sao bóng rổ NBA hay săn lùng bọn Đức Quốc xã. Ý em là anh hãy nhìn lại chính mình đi anh Gus.” Anh không đáp lời tôi. “Em không có ý–” tôi vừa định nói thì anh cắt ngang.
“Ừ, ý em là vậy mà!” Tôi định xin lỗi thì anh nói tiếp, “Đừng, anh xin lỗi. Em nói đúng. Chúng ta chơi tiếp đi.”
Thế là chúng tôi chỉ chăm chú chơi điện tử.
Chương 18
Tôi thức dậy khi điện thoại di động của tôi réo rắt một bài của The Hectic Glow. Bài hát yêu thích của anh Gus. Điều đó có nghĩa là anh đang gọi – hoặc ai đó đang gọi từ điện thoại của anh. Tôi liếc nhìn đồng hồ, mới có 2:35 SÁNG. Anh đã ra đi, tôi thầm nghĩ. Và mọi thứ trong tôi vỡ vụn.
Khó khăn lắm tôi mới mở lời “Xin chào?”
Tôi chờ đợi tiếng của ba mẹ anh hủy hoại mọi ước mơ của tôi.
“Hazel Grace,” giọng Augustus cất lên thật yếu ớt.
“Ôi, là anh sao? Cảm ơn Chúa. Chào anh. Em yêu anh.”
“Hazel Grace, anh đang ở trạm xăng. Có gì đó không ổn, em phải giúp anh.”
“Chuyện gì ạ? Anh đang ở đâu?”
“Đường cao tốc chỗ giao lộ Tám mươi sáu và Ditch. Anh đã nghịch gì với ống thông dạ dày và giờ anh không biết làm sao và–”
“Em sẽ gọi chín một một,” tôi nói.
“Không không không không không, họ sẽ đưa anh đến bệnh viện. Hazel, nghe anh nè. Đừng gọi chín một một hay ba mẹ anh, anh sẽ không bao giờ tha thứ cho em đâu em đừng gọi mà chỉ cần em đến đây thôi anh xin em cứ đến và sửa giúp cái ống thông chết tiệt này thôi. Anh chỉ, Chúa ơi, chuyện này thật ngu ngốc. Anh không muốn ba mẹ biết là anh đã bỏ đi. Làm ơn đi. Anh có mang thuốc theo; chỉ là anh không thể nạp nó vào. Anh xin em.” Anh đang khóc. Tôi chưa bao giờ nghe anh khóc nức nở như thế, ngoại trừ hôm đi Amsterdam ở trước nhà anh.
“Được rồi,” tôi nói. “Em đi liền.”
Tôi tắt máy thở BiPAP, nối ống trợ thở vào một bình ô-xy rồi móc chiếc bình vào giá đỡ, sau đó xỏ chân vào đôi giày thể thao để đi với quần ngủ màu hồng bằng vải bông cùng chiếc áo thun của đội bóng rổ Butler vốn trước đây là của anh Gus. Tôi chộp lấy chìa khóa từ ngăn kéo bếp, nơi Mẹ thường cất nó và không quên viết vài chữ phòng trường hợp Ba Mẹ thức dậy trong khi tôi đi vắng.
Con đi xem anh Gus. Chuyện quan trọng. Con xin lỗi.
Yêu Ba Mẹ, H
Trên đường đến trạm xăng, lái xe chừng vài dặm thì tôi tỉnh ngủ hẳn và tự hỏi tại sao anh Gus lại rời nhà lúc giữa đêm. Có lẽ anh bị ảo giác hoặc những tưởng tượng khổ sợ đã kiểm soát tâm trí anh.
Trên đường Ditch, tôi tăng tốc vượt đèn vàng. Tôi chạy quá tốc độ quy định phần vì muốn sớm đến chỗ anh, phần vì hy vọng cảnh sát sẽ bắt tôi lại và tôi có cớ để nói với một người khác rằng bạn trai đang hấp hối của tôi bị mắc kẹt bên ngoài một trạm xăng cùng với một ống thông dạ dày bị trục trặc. Nhưng cảnh sát đã không xuất hiện để quyết định thay tôi.
Chỉ có hai xe ô-tô đỗ trong bãi. Tôi đậu xe mình cạnh xe anh rồi đến mở cửa xe anh ra, đèn trong xe bật sáng. Và tôi thấy anh Augustus ngồi ở tay lái, giữa một đống nhầy nhụa do anh nôn mửa, tay anh đang ép vào bụng nơi đặt ống thông dạ dày. “Chào em!” Anh thều thào.
“Ôi Chúa ơi, anh Augustus, anh cần phải đến bệnh viện.”
“Xin em hãy xem qua nó đã.” Tôi bịt miệng để tránh mùi tanh nhưng vẫn cúi xuống kiểm tra phía trên rốn của anh, nơi họ đã phẫu thuật đặt ống thông. Da bụng của anh âm ấm và có màu đỏ tươi.
“Anh Gus à, em nghĩ anh bị nhiễm trùng rồi. Xin lỗi là em không thể làm gì được. Mà sao anh lại ở đây? Sao anh không ở nhà?” Anh lại nôn, lần này không còn đủ sức để quay miệng ra khỏi người anh. “Ôi, anh yêu,” tôi thốt lên.
“Anh muốn mua một gói thuốc lá,” anh thì thào. “Anh bị mất cái gói cũ đó rồi, hoặc ba mẹ đã cất nó đi. Anh cũng chẳng biết. Họ hứa sẽ mua cho anh gói mới, nhưng mà anh muốn… tự làm chuyện đó. Tự thân làm cái chuyện nhỏ nhặt đó.”
Nói xong, anh nhìn thẳng về phía trước. Tôi lặng lẽ rút điện thoại di động ra và bấm gọi chín một một.
“Em xin lỗi anh,” tôi xoa dịu anh. Chín một một đây, trường hợp khẩn cấp của bạn là gì? “Xin chào, tôi đang ở Đường cao tốc chỗ giao lộ Tám mươi sáu và Ditch. Tôi cần gọi xe cứu thương. Tình yêu lớn của đời tôi đang gặp sự cố với ống thông dạ dày của anh ấy.”
Anh nhìn lên tôi. Thật khủng khiếp. Tôi hầu như không thể nhìn anh. Chàng Augustus Waters với nụ cười nửa miệng và những điếu thuốc lá không khói đã biến mất, thay vào đó là một hình hài tuyệt vọng đang ngồi bẽ bàng dưới chân tôi.
“Thế là hết! Anh thậm chí không còn có thể ngậm thuốc lá được nữa.”
“Anh Gus, em yêu anh.”
“Còn đâu cơ hội để anh làm Peter Van Houten của ai đó?” Anh yếu ớt đánh vào tay lái, còi xe hú lên khi anh bật khóc. Anh ngửa đầu ra sau, nhìn lên. “Anh căm ghét bản thân mình, anh căm ghét bản thân mình, anh ghét bị thế này anh ghét bị thế này anh ghê tởm bản thân mình anh ghét nó anh ghét nó anh ghét nó hãy để anh chết quách đi cho xong.”
Theo lệ thường của dòng tiểu thuyết này, anh Augustus Waters sẽ giữ khiếu hài hước của mình cho đến sau rốt, không một lúc nào nguôi đi lòng can đảm và ý chí quật cường của anh sẽ thăng hoa như cánh chim đại bàng bát khuất hiên ngang cho đến khi chính thế giới này không thể dung nạp được linh hồn hân hoan của anh nữa.
Nhưng đây mới là sự thật, một cậu chàng đáng thương không muốn ai thương hại mình, đang la hét và khóc lóc, bị tổn thương bởi ống thông dạ dày nhiễm trùng vốn giúp anh không chết, nhưng cũng không thể sống.
Tôi lau cằm cho anh và ôm lấy khuôn mặt anh trong tay, quỳ xuống gần anh hơn để có thể nhìn thấy đôi mắt của anh, vẫn còn tinh anh. “Em xin lỗi. Em ước gì mọi chuyện chỉ giống như bộ phim hôm trước, về bọn Ba Tư và chiến binh Sparta.”
“Anh cũng vậy,” anh đáp.
“Nhưng không phải thế,” tôi nói.
“Anh biết,” anh đáp.
“Trên đời này không có kẻ xấu.”
“Ừ.”
“Ngay cả tế bào ung thư cũng không phải là kẻ xấu thực sự: Tế bào ung thư cũng chỉ muốn được sống.”
“Ừ.”
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian